Đôi mắt màu của con người là do đâu mà có và tại sao nó lại là màu xanh đó là những vấn đề được đặt ra và giải thích…Những đôi mắt màu xanh đã xuất hiện khoảng 7.000 năm về trước nhưng tới giờ, các nhà khoa học vẫn chưa biết chính xác lý do của sự tiến hóa này.
Từ thuở ban đầu, con người đều có mắt màu nâu. Lý do nào khiến những đôi mắt màu xanh xuất hiện? Ảnh minh họa: mcclanahoochie/iStockphoto
Brad Pitt có màu mắt xanh, Paul Newman cũng vậy – nhưng xét trên tổng thể của loài người thì đôi mắt màu xanh không phải là phổ biến. Từ thuở ban đầu, mọi người đều có đôi mắt màu nâu.
Các chuyên gia không chắc chắn về sự tiến hóa của đôi mắt màu xanh đầu tiên, nhưng có một số giả thuyết thú vị về lý do chúng xuất hiện.
Các giả thuyết Vitamin D
Tại Châu Phi, đôi mắt, làn da và mái tóc cùng có màu đen là chuyện thường tình, cũng giống như đôi mắt màu xanh phổ biến ở miền nam châu Âu và thậm chí phổ biến hơn ở Bắc Âu, nơi có đến 70% dân số có đôi mắt màu xanh.
Gradient này đã dẫn đến các “giả thuyết vitamin D”. Theo đó, độ sáng của màu da, mái tóc và đôi mắt cùng tiến hóa khi con người di chuyển vào vĩ độ nơi ngày ngắn hơn và mùa hè có ít ánh sáng mặt trời.
Tuy nhiên, giả thuyết này vấp phải sự phản bác của nhiều nhà khoa học. Phó giáo sư Phân tử Di truyền học Rick Sturm, làm việc tại Đại học Queensland cho biết, không có bằng chứng nào cho thấy tròng mắt sáng màu có thể nhận được nhiều ánh sáng hơn hoặc giúp con người nhìn rõ hơn trong ánh sáng yếu so với tròng mắt tối màu. Một điều quan trọng hơn là, có bằng chứng cho thấy, đôi mắt màu xanh tiến hóa trước làn da sáng màu – ít nhất là từ 7.000 năm về trước.
Vào năm 2014, Sturm và các đồng nghiệp đã nhận được một báo cáo về DNA cổ đại của một chiếc răng 7.000 năm tuổi được khai quật từ phía Tây Bắc của Tây Ban Nha. Được đặt tên là La Brana 1, chiếc răng thuộc về một thợ săn cổ đại. Những phân tích gen cho thấy, người đàn ông này có làn da và mái tóc màu đen nhưng lại có đôi mắt màu xanh.
“Người đàn ông này có đôi mắt màu xanh nhạt nhưng lại có làn da tối. Đó là bất ngờ lớn bởi vì chúng tôi luôn luôn mặc định những đặc tính này đồng phát triển và chúng tôi đã nghĩ rằng, làn da sáng màu là tiến hóa đầu tiên“, Sturm nói.
Bằng chứng khảo cổ học này mâu thuẫn với giả thuyết về sự cần thiết của ánh sáng mặt trời để tạo ra vitamin D, thứ được cho là điều khiển quá trình tiến hóa của đôi mắt xanh, cùng với làn da sáng màu.
“Hiệu ứng Paul Newman” và những ý tưởng khác
Các nhà khoa học cũng đưa ra thêm nhiều giả thuyết khác để giải thích sự tiến hóa của màu mắt xanh, trong đó có ý kiến cho rằng, trong vấn đề quan hệ tình dục, những người có màu mắt xanh hấp dẫn hơn so với người có đôi mắt nâu. Đó là “Hiệu ứng Paul Newman”, Sturm châm biếm.
Paul Newman có đôi mắt xanh biếc như đại dương, chính vì vậy mà nhiều người đã có những giả thuyết dựa trên sự quyến rũ của đôi mắt tuyệt đẹp ấy.
Ngoài ra còn có những ý kiến cho rằng đôi mắt màu xanh có lợi hơn bởi nó giúp người cổ đại nhận thức các đối tượng cố định tốt hơn so với những thứ luôn di chuyển. Điều này có thể là một lợi thế cho phụ nữ hái lượm, những người cần phải xác định và thu thập rau quả. Như vậy, đôi mắt màu xanh thậm chí có thể đã tiến hóa ở phụ nữ trước tiên.
Nhưng Sturm có một quan điểm khác. Ông cho rằng, đôi mắt xanh có liên quan đến những người đối phó tốt hơn với căn bệnh trầm cảm theo mùa, một loại bệnh trầm cảm nặng xảy ra vào những mùa có ít ánh sáng hoặc ánh sáng yếu.
Điều đáng chú ý là mắt có các neuron đặc biệt ở võng mạc có thể phát hiện ánh sáng màu xanh và sử dụng điều này để giúp điều chỉnh nhịp sinh học.
“Ở thời kỳ đồ đá, có lẽ những người có đôi mắt màu xanh có thể chịu đựng được bóng tối, những mùa đông Châu Âu buồn bã tốt hơn so với những người có màu mắt nâu?”
“Họ thực sự có thể đủ nhanh nhẹn để ra ngoài săn bắn trong khi tất cả những người khác ở lại trong hang và buồn chán”.
Điều gì thực sự quyết định màu mắt?
Trái với những gì chúng ta có thể đã từng được học ở trường, bố mẹ có màu mắt xanh cũng có thể sinh ra những đứa con có đôi mắt màu nâu, Sturm nói. Điều này là bởi vì có rất nhiều yếu tố khác nhau quyết định màu mắt.
Đầu tiên là sự xuất hiện của gen kiểm soát lượng sắc tố melanin trong tròng mắt của chúng ta. Khoảng 74% màu mắt được quyết định bởi một gen được gọi là OCA2, nằm trên Nhiễm sắc thể số 15. Gen này cũng góp phần tạo ra màu da và tóc, nhưng ở mức độ thấp hơn rất nhiều.
Các màu mắt khác nhau của con người
Năm 2008, Sturm và các đồng nghiệp đã lập bản đồ kết hợp gen khác nhau với những đôi mắt xanh và nâu và thấy rằng, “những đôi mắt màu xanh bị thiếu hụt melanin ở lớp ngoài cùng của mống mắt”.
Từ những nghiên cứu của mình, Sturm cho biết, một biến thể của gen HERC2 điều khiển gen OCA2, quyết định lượng melanin ở các lớp ngoài của mống mắt. “Nó giống như chuyển một công tắc đèn bật hoặc tắt. Nếu bạn bật công tắc trên mắt sẽ có màu nâu. Nếu bạn tắt nó đi chúng trở thành màu xanh“, ông nói.
Ngoài ra còn có những gen kiểm soát cấu trúc của mống mắt, chẳng hạn như độ dày và lượng collagen có trong nó. Sturm cho biết thêm, màu mắt cũng bị ảnh hưởng bởi cách ánh sáng tương tác với tròng mắt của chúng ta.